Có nên mua hàng giảm giá không? Rất nhiều người trong chúng ta khi mua sắm vượt kế hoạch chỉ vì nghĩ rằng mình đang mua được mặt hàng giá rẻ. Dĩ nhiên, các shop cũng rất am hiểu tâm lý này của bạn. Họ sẽ sử dụng những chiêu tặng mã giảm giá, hoặc miễn phí giao hàng khi đơn hàng đạt một số tiền nhất định,… Tất cả chỉ nhằm một mục đích cuối cùng, bạn sẽ mua nhiều hàng hơn. Vậy để biết bạn đang thực sự có món hời này không, chỉ cần tham khảo vài thông tin sau
Món này thực sự cần không?
Tỷ phú Warren Buffett từng nói: “Nếu bạn cứ mua những thứ mình không cần, chẳng bao lâu nữa bạn sẽ phải bán thứ mình cần”. Nếu chỉ mải mê mua hàng giảm giá, bạn có thể vô tình gắn kết bản thân với những giá trị thấp, chấp nhận “dùng tạm” thay vì nỗ lực mua những thứ mình thực sự cần. Kết quả, những quyết định sai lầm càng khiến bạn mất nhiều tiền hơn.
Còn ngược lại, bạn đang thực sự cần món hàng đó. Nghĩa rằng là món hàng này sẽ phục vụ nhu cầu thiết yếu cuộc sống của bạn, và bạn lại có thể dễ dàng có được nó với giá hời. Thì đó là điều bạn cần.
Ưu tiên nhu cầu
Nếu bạn không cần một thứ trước khi giảm giá thì sau khi khuyến mãi, bạn cũng sẽ không cần nó.
Trước khi quyết định mua một món đồ sale nào đó, bạn hãy tự hỏi mình thực sự cần gì, có sử dụng món đồ đó ít nhất 3-7 lần mỗi tuần không. Bên cạnh đó, cuộc sống của bạn sẽ thay đổi thế nào nếu có thêm món đồ ấy và liệu đây có phải lựa chọn tốt nhất, phù hợp nhất với bạn.
“Bạn nên dành một – hai ngày trước đợt khuyến mãi để trả lời các câu hỏi trên”. “Hãy luôn luôn tâm niệm rằng mua thứ mình không cần là ném tiền qua cửa sổ, giữa thứ mình không cần là tích rác trong nhà”.
Đề cao chất lượng
Các tiêu chí cần thiết đối với một sản phẩm nên được xếp theo thứ tự tốt, đẹp, rẻ. Một sản phẩm được coi là hữu ích khi và chỉ khi nó giúp bạn giải quyết một vấn đề nào đó.
Khi nào mua hàng giảm giá đồng nghĩa với tiết kiệm?
Câu trả lời ngắn gọn là: Mua đồ giảm giá chỉ có thể tiết kiệm khi mình mua đúng những món đồ cần thiết với mức giá tốt.
Ngược lại, mua đồ giảm giá không mang lại hiệu quả tiết kiệm khi bạn mua sắm một cách cảm tính. Mua những thứ mình muốn, những thứ không có trong kế hoạch dự chi ban đầu và với mức giá tưởng là rẻ nhưng thực sự chẳng hề rẻ chút nào.
Bản chất của việc mua hàng giảm giá không hề sai. Nhưng không vì thế mà ngày nào chúng ta cũng cuốn mình theo các chương trình khuyến mãi. Hãy sử dụng đồng tiền đúng mục đích hơn.
Luôn đặt cho mình những câu hỏi nghi vấn
Để đảm bảo tính tiết kiệm cao nhất khi mua hàng, bạn nên hỏi mình những điều này trước khi mua sắm: Bạn có thực sự cần món đồ đó không? Bạn có đủ tiền trả cho nó ngay bây giờ không?
Nếu bạn vẫn do dự hay phân vân thì lời khuyên dành cho bạn là nên suy nghĩ kỹ trong vài ngày. Nếu sau vài ngày đó bạn vẫn muốn mua món đồ này thì bạn hoàn toàn có thể yên tâm vì chương trình khuyến mãi của các cửa hàng online hiện nay luôn có giá trị quanh năm. Đừng để ý đến bộ đếm ngược thời gian giảm giá nổi bật trên những ứng dụng này nếu bạn không muốn cảm xúc của mình một lần nữa điều khiển thói quen chi tiêu.
Đừng bao giờ vay tiền chỉ để mua hàng giảm giá
Dù giảm giá có sâu đến thế nào, nó cũng không thể bằng cái giá bạn phải trả khi vay nợ. Nhất là nợ thẻ tín dụng.
Hiện nay rất nhiều người, đặc biệt là các bạn trẻ có thói quen dùng thẻ tín dụng để tiêu dùng. Đặc biệt khi các mùa sale đến thì các khuyến khích hành vi cà thẻ không giới hạn để mua các món đồ giảm giá.
Tuy nhiên, nhiều khi chúng ta quên mất rằng, để chi trả cho các khoản nợ tín dụng thì sẽ phải tốn một số tiền không nhỏ bởi mức lãi suất tương đối cao. Điều này có thể khiến cho số tiền giảm giá mà chúng ta nhận được không đủ bù lỗ cho tiền lãi tín dụng. Ngoài ra, khi cậy có thẻ tín dụng với hạn mức cao hoặc không hạn mức trong tay, chúng ta có xu hướng mua sắm nhiều hơn thông thường. Từ đó lại khiến tốn thêm một khoản tiền không nhỏ cho các món đồ chưa chắc đã cần thiết. Do đó, dù có bị hấp dẫn bởi các chương trình giảm giá nhưng cũng tuyệt đối đừng vay nợ hay dùng thẻ tín dụng để “săn sale” nhé!
Thực hư về món hàng đang giảm giá
Quảng cáo một đằng, chất lượng một nẻo
Nhiều chuyên gia kinh tế khẳng định: Thực tế thì nhiều nhãn hàng cũng giảm giá sâu, giảm sốc để kích cầu tiêu dùng, giảm hàng tồn kho… Tuy nhiên, chất lượng của những sản phẩm giảm sốc sẽ không được như kỳ vọng của người tiêu dùng.
Mới đây, dư luận xôn xao khi một website thông báo hãng đồng hồ Omega nổi tiếng từ Thụy Sĩ đang “sale hủy diệt”, giảm giá đến 70% kèm theo hình ảnh. Khách hàng phải vật vã xếp hàng dài trước siêu thị chờ mua sản phẩm cùng lời khuyến nghị khách hàng đặt hàng qua website thì lúc nào cũng có.
Rồi có những hình ảnh và dòng quảng cáo đầy hấp dẫn: Nước hoa chính hãng sale sập sàn với giá chỉ vài trăm nghìn đồng. Trong khi giá trị thực có thể lên tới vài triệu đồng, thậm chí vài chục triệu đồng cho một chai nước hoa.
Chiêu trò giảm giá
Với những chiêu trò này, các đối tượng lừa đảo đã đánh vào tâm lý ham rẻ của người tiêu dùng tự nguyện chui đầu vào bẫy vì những chiếc đồng hồ Omega “sale sập sàn” hay những lọ nước hoa chính hãng được quảng cáo nhan nhản nói trên chỉ là hàng nhái, hàng giả mang danh nghĩa “hàng chính hãng giảm giá”. Bởi vì theo khẳng định của đại diện của hãng Omega tại Việt Nam thì, không có bất cứ chương trình khuyến mại nào và địa chỉ website trên mạng xã hội không phải website chính thức của đại lý phân phối. Bản thân những người am hiểu, sành về nước hoa cũng quả quyết khẳng định, nước hoa “xịn” chính hãng không bao giờ có giá vài trăm nghìn đồng như lời quảng cáo trên các trang mạng xã hội.
Tương tự, trên các sàn thương mại điện tử như Shoppee, Lazada.. thường xuyên có những mục khuyến mãi bán hàng 0 đồng, gây sự tò mò hấp dẫn người tiêu dùng. Tuy nhiên, khi người mua click chuột vào sản phẩm thì hoặc là hàng không có như quảng cáo hoặc là hàng đã bán hết. Như vậy vẫn còn may mắn bởi nhiều người còn mua phải hàng giá rẻ nhưng bị lỗi, không thể sử dụng được, hoàn toàn khác xa với những gì mà người bán rao ầm ầm trên mạng.
Tăng giá rồi giảm
Ngoài chuyện quảng cáo giảm giá để bán hàng giả, hàng nhái hoặc lừa đảo người tiêu dùng như nói trên thì sự thật các chương trình khuyến mại, giảm giá diễn ra rầm rộ, liên tục như hiện nay trên mạng xã hội có đúng là giảm giá hay không? Nhiều ý kiến cho rằng, mặc dù được quảng cáo là giảm giá “sập sàn”, giảm giá sâu nhưng chưa chắc người tiêu dùng đã được hưởng lợi. Bởi không ít doanh nghiệp (DN) sử dụng chiêu trò đẩy giá lên cao 60-70% rồi giảm giá 30-50% thì người tiêu dùng vẫn chịu thiệt. Thực chất, giá của sản phẩm khi đã giảm vẫn còn cao hơn nhiều lần giá trị thực.
Lời kết
Để tránh “sập bẫy” các chiêu trò khuyến mại, giảm giá, người tiêu dùng cần cẩn trọng, tỉnh táo lựa chọn các nhãn hiệu. Đặc biệt, cần phải hết sức thận trọng khi thấy sản phẩm có giá quá rẻ so với thị trường. Bởi vì chẳng có hàng “xịn”, hàng chính hãng nào lại có “giá bèo”.